Huyện Châu Thành Tỉnh Trà Vinh

Huyện Châu Thành Tỉnh Trà Vinh

Mục tiêu tổng quát: “xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường; gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân”.

Mục tiêu tổng quát: “xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường; gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân”.

Điều kiện tự nhiên xã Hoà Thuận

Hoà Thuận là một trong 14 xã, thị trấn thuộc huyện Châu Thành. Diện tích tự nhiên 1.428,13 ha, giáp với các địa phương như sau:

Phía Bắc giáp Thành phố Trà vinh

Phía Nam giáp Xã Hưng Mỹ, xã Hòa Lợi

Phía Tây giáp Thành Phố Trà Vinh

Xã Hòa Thuận nói riêng cũng như huyện Châu Thành và tỉnh Trà Vinh nói chung mang đặc điểm địa hình, địa mạo rõ nét của một vùng đồng bằng Nam Bộ, xã có địa hình tương đối bằng phẳng, cao trình phổ biến từ 0,60 m - 1,00 m, chiếm 76% diện tích tự nhiên. Đất có cao trình thấp dưới 0,60 m chiếm 12% diện tích tự nhiên.

Khí hậu mang đặc điểm khí hậu vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long với hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 4 âm lịch năm sau.

- Nhiệt độ: nhiệt độ không khí tương đối cao và ổn định, trung bình năm 26,80C biên độ dao động giữa các ngày và tháng không lớn. Nhiệt độ trung bình tháng cao nhất (tháng 04, tháng 05 âm lịch). Nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất (tháng 12, tháng 01 âm lịch năm sau).

- Nắng và bức xạ mặt trời: Số giờ nắng trong năm khoảng (2.336 - 2.577) giờ/năm, trung bình 6,8 giờ/ngày. Tổng lượng bức xạ trung bình ngày đạt mức (385 - 448) cal/cm2/ngày, tập trung từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều trong ngày.

- Mưa và lượng bốc hơi: Tổng lượng mưa hàng năm khoảng (1.500 - 1.600) mm, khoảng 90% lượng mưa tập trung từ tháng 04 đến tháng 10 (âm lịch) mưa lớn nhất vào các tháng 08, 09, 10 từ (250 - 400) mm/tháng, các tháng còn lại chiếm 10%, đặc biệt có tháng 02 và tháng 03 hầu như không có mưa. Lượng bốc hơi trung bình từ 11 mm (tháng 03) đến 48 mm (tháng 07), lượng bốc hơi cao nhất vào mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 04 âm lịch năm sau.

- Hướng gió: bị chi phối bởi 02 hướng gió chính:

+ Gió mùa Tây Nam thổi từ tháng 05 đến tháng 10 âm lịch, mang nhiều hơi nước và gây mưa, tốc độ (03 - 04) m/s.

+ Gió mùa Đông Bắc hoặc gió mùa Đông Nam thổi từ tháng 11 đến tháng 03 âm lịch năm sau, gió mùa Đông Bắc có tốc độ gió 2,3 m/s, gió mùa Đông Nam (gió chướng) tốc độ (14 - 16) m/s.

- Độ ẩm không khí: độ ẩm trung bình 85%, cao nhất vào mùa mưa (83 - 91)% và thấp nhất vào mùa khô (77 - 79)%.

Nhìn chung điều kiện khí hậu của xã với các đặc điểm nhiệt đới gió mùa, nên nhiệt độ cao và tương đối ổn định, nắng và bức xạ mặt trời thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi.

Sông Cổ Chiên và sông Long Bình là nguồn cung cấp nước chính để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn xã. Ngoài ra, xã còn có hệ thống kênh các cấp I, II, III và hệ thống kênh, mương nội đồng tạo thành mạng lưới thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đã kích thích được sản xuất thâm canh tăng vụ.

Trên địa bàn xã có 02 con sông lớn chảy qua là nguồn cung cấp nước chính cho nội đồng:

+ Sông Cổ Chiên là một trong ba nhánh sông lớn của sông Tiền, rẽ nhánh từ Thành phố Vĩnh Long và chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, vào địa phận tỉnh Trà Vinh. Đoạn sông Cổ Chiên đi qua Hòa Thuận dài khoảng 4 km. Sông rộng khoảng 2 km và rất sâu với mặt cắt rộng, chịu ảnh hưởng của thủy triều nên khả năng tích nước và thoát nước lớn, lưu lượng bình quân (12.000 - 19.000) m3/s, hàm lượng phù sa từ  (100 - 500) g/m3.

+ Sông Trà Vinh là một nhánh của sông Cổ Chiên, chảy theo hướng Tây Nam với chiều dài 03 km, rộng 50 m. Sông khá rộng và sâu, là nguồn cung nước chính cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Ngoài ra trên địa bàn xã còn có nhiều kênh rạch khác, với nhiệm vụ dẫn nước từ 02 con sông huyết mạch trên vào nội đồng.

- Chế độ triều: Xã chịu ảnh hưởng chế độ thủy triều Biển Đông thông qua sông Cổ Chiên và các kênh, rạch, ngày lên xuống 2 lần, mỗi tháng có 2 lần triều cường sau ngày 01 và 15 âm lịch, 2 lần triều kém sau ngày 07 và 23 âm lịch.

Đất đai của xã được hình thành do quá trình bồi lắng của vật liệu trầm tích biển trong giai đoạn biển lùi cách đây khoảng 6.000 năm. Hàm lượng, chất lượng và sự phân bố phù sa cùng với hoạt động kiến tạo đã hình thành nên các loại đất khác nhau. Theo tài liệu bản đồ đất huyện Châu Thành (tỷ lệ 1/25.000) thuộc Chương trình Đất Cửu Long, năm 1992 (phân loại theo USDA), xã Hòa Thuận có các nhóm đất chính như sau:

- Đất cát giồng: Là những giồng cát hình cánh cung, có diện tích nhỏ nhất trong toàn xã, phân bố rải rác tại các ấp. Thành phần chủ yếu là cát mịn đến cát mịn pha thịt sét. Đất có tầng canh tác mỏng, nghèo chất dinh dưỡng.

- Đất phù sa: Là nhóm đất có diện tích lớn nhất trong xã, bao gồm các loại đất sau:

+ Đất phù sa phát triển sâu tầng cát mịn xuất hiện ở độ sâu 50 cm - 80 cm, đây là loại đất có diện tích lớn nhất trong toàn xã.

+ Đất phù sa xám nâu phát triển khá có chứa chất hữu cơ có diện tích tương đối lớn, tập trung tại ấp Đầu Bờ, Kỳ La.

+ Đất phù sa phát triển sâu có mùn trên mặt.

+ Đất phù sa phát triển sâu có mùn trên mặt phèn hoạt động.

+ Đất phù sa phát triển sâu trên chân giồng cát.

+ Đất phù sa xám nâu phát triển khá tiềm tàng.

- Đất phèn: Có diện tích nhỏ không đáng kể, chủ yếu là đất phèn hoạt động điển hình có mùn, tầng phèn xuất hiện trong vòng 0 cm - 50 cm.

Tài nguyên nước của xã Hoà Thuận được nhìn nhận và đánh giá dựa trên 02 nguồn nước chính là nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm.

- Nguồn nước mặt: Chủ yếu được khai thác và sử dụng từ các sông rạch, ao, có trên địa bàn, trong đó sông Cổ Chiên là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

- Nguồn nước ngầm: Theo kết quả nghiên cứu chung của tỉnh Trà Vinh, và huyện Châu Thành thì nguồn nước ngầm của xã khá phong phú, nhưng do nước bị nhiễm phèn nên việc sử dụng trong sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.

Hòa Thuận là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số, mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán riêng đã tạo nên sự đa dạng của các nền văn hóa trên địa bàn xã.

Tuy nhiên, nhân dân xã Hòa Thuận có truyền thống cách mạng và tinh thần dân tộc cao trong kháng chiến cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa những thành quả đã đạt được, tranh thủ thời cơ, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Thuận đã chung sức, chung lòng cùng nhau vượt khó khăn và thách thức, vững vàng tiến vào thế kỷ XXI, tiếp tục thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn và phát triển bền vững.

Hiện nay, xã đang trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội đã và đang được đầu tư phát triển mạnh như: giao thông, trường học, cơ sở y tế, văn hoá,... tỷ lệ nhà ở của nhân dân được kiên cố và bán kiên cố cũng tăng nhanh. Do đó, lượng chất thải độc hại thải ra cũng ngày một nhiều, tình trạng rác thải, nước thải của các hộ gia đình cũng tăng nhanh gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt làm ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và sản xuất của người dân. Trong thời gian tới cần khuyến khích người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có nguồn gốc sinh học, sử dụng thức ăn trong nuôi trồng thủy sản thật hợp lý,… để đảm bảo an toàn cho môi trường đất và nước trong tương lai.